Ký ức cựu thủy thủ tàu không số trong lần đầu được gặp Bác Hồ
Dân trí Cựu thủy thủ tàu không số Huỳnh Phước Hải (75 tuổi) nhớ như in lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Ký ức được Bác ân cần thăm hỏi, động viên đã theo ông suốt cuộc đời từ thời kháng chiến gian khổ đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
Năm 1961, ông Huỳnh Phước Hải, SN 1940 (ngụ Thạnh Hải, Thạnh
Phú, Bến Tre) tham gia đoàn tàu không số của tỉnh Bến Tre để chuẩn bị vượt biển
ra Bắc chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông Hải kể lại: “Tôi sinh ra
và lớn lên tại vùng ven biển huyện Thạnh Phú (Bến Tre) nên rất thạo việc đi
biển. Sau khi giác ngộ cách mạng tôi được tổ chức đưa xuống tỉnh Cà Mau để huấn
luyện, nhận nhiệm vụ mới nhưng lúc đó chưa biết là nhiệm vụ gì. Sau mấy tháng
huấn luyện, tôi được lên lên tàu vượt biển ra Bắc. Lúc đó có 2 đội tàu đi, sau
9 ngày vật lộn với sóng biển và bao hiểm nguy thì cả 2 đội đều vượt biển ra Bắc
thành công nhưng 1 đội cập bến ở Hà Tĩnh, 1 đội cập bến ở Thanh Hóa”.
Ông Hải kể chuyện lần đầu tiên được gặp Bác Hồ
Sau khi ra Bắc, đoàn được đồng chí Phạm Hùng lấy xe đưa ra Hà
Nội để bồi dưỡng, đi tham quan các nơi và được gặp Bác Hồ. Kỷ niệm đó, đối với
ông Hải là ký ức không thể nào quên. Ông Hải kể lại: “Lúc đó tất cả các thủy thủ tàu
không số tập trung ở hội trường để được gặp Bác Hồ. Mấy chục thủy thủ các đoàn
ở tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu cũng hồi hộp chờ giây phúc được gặp Bác vì trước đó
chỉ thấy Bác qua hình ảnh. Khi Bác xuất hiện đã ân cần hỏi thăm, bắt tay từng
người một khi đến tôi bác xoa đầu ngợi khen và cho viên kẹo vì lúc ấy tôi mới
21 tuổi là người trẻ nhất trong đoàn”.
Sau khi được gặp Bác, tất cả các thành viên trong đoàn tàu
không số đều được đưa về Hải Phòng để học tập, huấn luyện gần 1 năm. Đến năm
1962 ông Hải cùng các thủy thủ của tỉnh Bến Tre xuất phát chở 40 tấn vũ khí đầu
tiên trở về chi viện cho chiến trường miền Nam. Tổng cộng ông tham gia hơn chục
chuyến tàu chở đạn về Cà Mau, Bến Tre, Vũng Tàu… suốt những năm ác liệt của
chiến tranh với đường Hồ Chí Minh trên biển.
Vàm Khâu Băng (Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre) - nơi đoàn tàu không số cập bến
Ông Hải cho rằng, để vượt biển ra Bắc và chở vũ khí trở về cho
chiến trường miền Nam
phải qua muôn vàn khó khăn gian khổ khi thì gặp sóng to, gió lớn khi thì phải
chiến đấu ác liệt với kẻ thù. Có những trận đánh nhiều chiến sĩ trên tàu không
số dũng cảm hy sinh và phải nằm lại nơi biển cả. Tuyến đường Hồ Chí Minh trên
biển được đoàn tàu không số vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí cho chiến trường
miền Nam
góp phần rất lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất
nước.
Sau ngày thống nhất đất nước ông Hải về Quân đoàn 2 rồi tỉnh
đội Bến Tre và đến năm 1977 thì xuất ngũ trở về quê hương lập nghiệp. Ông Hải tâm
sự: “Lúc đó có điều kiện để ở lại thị xã công tác nhưng bao nhiêu năm chiến đấu
xa nhà tôi rất nhớ quê nên quyết tâm trở về để trồng trọt, chăn nuôi sinh sống
coi như hoàn thành nghĩa vụ của người trai đối với quê hương”.
Bức ảnh đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Căn nhà tình nghĩa của ông ở Cồn Lợi (ấp Thạnh Thới B, Thạnh
Hải, Thạnh Phú, Bến Tre) chỉ cách bãi biển vài trăm mét nên lúc nào ông cũng
nghe tiếng sóng vỗ để nhớ về những chuyến tàu, những đồng đội năm xưa. Bây giờ,
ông Hải là một nông dân thứ thiệt canh tác 7 công dưa hấu, hoa màu trên đất
giồng cát ven biển để kiếm sống. Trong căn nhà ấy, chẳng có thứ gì quý giá
ngoài những bằng tổ quốc ghi công, huân, huy chương và đặc biệt là ảnh Bác, ảnh
chiếc tàu không số lênh đênh trên biển.
Ông Hải về quê canh tác dưa hấu bên giồng cát ven biển
Trở về với cuộc sống đời thường, ở cái tuổi 75, hàng ngày
ông Hải cùng đứa con út vẫn lo toan chuyện đồng áng, chăm sóc mấy công dưa hấu.
Khi nhắc những ký ức về đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển và lần
đầu tiên gặp Bác Hồ, ông nhớ từng chi tiết như vừa mới xảy ra. Ông tâm sự rằng,
bây giờ hầu hết những cựu thủy thủ tàu không số đã già yếu, qua đời. Vì vậy,
ông thường xuyên kể chuyện tàu không số, chuyện gặp Bác Hồ cho thế hệ con cháu
nghe để nhắc nhở, giáo dục các cháu hiểu được giá trị của hòa bình, độc lập hôm
nay.
Hoàng
Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét